Ngày đăng 01/08/2018 | 09:33 AM 

Tản mạn về Văn hóa

(TVHQ) Người ta hiểu văn hóa nghĩa là tình trạng bất động; giữ gìn văn hóa tức là giữ một cách cứng ngắc không hề dám đụng tới vì sợ nó biến đổi. Nhưng họ có biết đâu sự giữ gìn một cách bất động đó sẽ bị màu thời gian lần lần thay đổi: màu sắc cũ sẽ bị tàn phai, và những mẩu sơn sẽ bị long sứt rời rã theo năm tháng.


Theo Tự điển Thiều Chửu, văn là nét vẽ, những quằn quện trên thân của con vật. Con cọp nếu không có những đường nét quằn quện trên thân thì người ta không nhận nó là cọp. Con báo nếu không có những đốm khắp mình thì người ta không nhận được nó là báo hay chó sói. Nói tóm lại, văn là những nét vẽ trên một sự vật bằng nhân tạo hay tự nhiên mà người ta nhận biết sự riêng biệt của sự vật ấy. Như thế thì những cái bờm xù lông là văn của sư tử đực. Những nét quằn quện trên thân là văn của loài hổ. Những nét chấm tròn trên thân là văn của loài báo. Đó là những nét văn tự nhiên của loài vật. Những hình vẽ trên vách, những nét vẽ trên áo hay trên một bức tượng là văn nhân tạo. Còn chữ hóa nghĩa là gì? Hóa có nghĩa là biến đổi từ không thành có hay ngược lại từ có trở thành không. Từ đó ta suy ra nghĩa: từ cái chưa tốt trở thành tốt đẹp; từ cái tốt đẹp trở thành kém tốt đẹp hay kém xấu đi.

Theo nghĩa thông thường, nói đến văn hóa thì đa phần nghĩ đến sự tốt đẹp trở nên của nó, chớ người ta không nghĩ đến sự biến dạng xấu đi của nó. Như nói Ấp văn hóa có nghĩa là địa phương đó đã có những tiến triển từ xấu trở nên tốt, từ dân cư lạc hậu đã hấp thụ nền kỹ thuật tiến bộ; từ nghèo đói bước qua sự sung túc. Thông thường người ta nói đến từ văn hóa đều nghĩ đến phần tốt, mặt tiến lên của nó mà không nghĩ đến phần tụt hậu thoái trào của nó. Đó là quy luật đối đãi hai mặt mà mỗi sự kiện đều có. Cùng một sự kiện nếu ta biết vun bồi tô đắp để sự kiện ấy dần dần có sức mạnh tiến đến chân thiện mỹ, đó là mặt tốt của văn hóa mà ai nấy cũng hằng mơ ước. Trái lại, cũng cùng sự kiện ấy nếu không được vun đắp, thực hiện lơ là, thiếu sự chăm sóc thì dần dần bị biến chất, không đem lại lợi ích cho ai và trôi vào quên lãng.

Như trên đã nói, văn hóa là nét đẹp bề nổi bên ngoài qua những hiện tượng vật chất và tinh thần được thể hiện.

Về tinh thần

Ta thấy là một điều đáng mừng, ở thành phố chúng ta, từ năm 1984, trường Cao cấp Phật học cơ sở 2 do HT. Minh Châu làm hiệu trưởng (bây giờ là Học viện Phật giáo Tp. HCM) được thành lập với khóa dạy bốn năm. Tuy rằng mở Cao cấp trước là một việc làm trái nguyên tắc giáo dục nhưng do nhu cầu cấp thiết đúng là một điểm son đáng ghi nhận.

Năm 1987, trường Trung cấp Phật học mới bắt đầu giảng dạy tại chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó trường Sơ cấp Phật học lần lượt ra đời ở một số quận huyện trong thành phố. Và hệ thống từ Sơ cấp cho đến Cao đẳng, Học viện cho tới nay tổ chức coi như được hoàn bị. Về nội dung, tuy có tiến bộ nhưng so với các nước lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, giáo dục Phật giáo chúng ta còn ở trong tình trạng lạc hậu.

Song song với bên bộ phận các lớp học của ngành giáo dục, một bộ phận huấn luyện giảng sư của Ban Hoằng pháp cũng được tổ chức giảng dạy nhiều khóa với hàng nghìn giảng sư tăng ni tốt nghiệp giữ nhiệm vụ hoằng pháp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Về mặt hình thức, khắp nơi các tỉnh, các quận đều có những lớp học có vẻ khả quan là điều đáng mừng, nhưng về mặt nội dung có những điều không xứng hợp.

Theo các truyền thống xưa nay, học và tu là hai từ ngữ biểu thị tính cách của những người học Phật. Học để phát triển sự hiểu biết, nhận thức rõ ràng những điều cần làm và cần tránh. Còn tu là thực tiễn pháp môn mình chọn lựa để thể nghiệm những điều Phật dạy mình đã học từ trước. Tu và học là hai phạm trù đi đôi không thể tách rời. Nếu thiếu một thì đời sống người tu hành sẽ trở nên khập khiễng, không thể hoàn bị. Từ xưa các cụ chúng ta thường nói: “Tu mà không học là tu mù; học mà không tu là đãy đựng sách”. Thật thế, tu mà không có sự hiểu biết chính xác dễ bị lầm lạc giống như người leo núi trên đường đi có nhiều kỳ hoa dị thảo quyến rũ dễ bị lôi cuốn vào cảnh sắc bên đường mà không đến được mục tiêu hướng tới. Còn học mà không tu chỉ là hiểu biết suông qua lý thuyết, không thể thể nghiệm thực chứng những điều mà phải trong thực hành mới đạt đến được.

Phật giáo ở Thái Lan, việc tu học của chư Tăng được chia ra làm hai phần: pháp học và pháp hành. Pháp học là học tập các suy nghĩ tìm tòi phân tích giáo lý tư tưởng của Phật đà hay của các vị luận sư Phật học nổi tiếng từ xưa để lại. Pháp học được hướng dẫn thứ tự từ thấp đến cao và kết quả đạt được cũng có những học vị thạc sĩ hay tiến sĩ như các trường thế tục. Còn pháp hành được thực hiện trong các tu viện dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư nổi tiếng, cố gắng nhiếp tâm thực hiện những lời chỉ dạy trong kinh sách hoặc những phương pháp tối ưu mà vị thiền sư đã thực hiện thành công chỉ dạy, mục đích lần lần thăng tiến đến các quả vị giải thoát như Phật đã dạy. Những vị có sự tiến bộ đạt được trên tiến trình giải thoát xứng đáng được hướng dẫn mọi người tu tập trên lộ trình giải thoát như mình được gọi là Trưởng lão. Chức danh Trưởng lão này được tôn xưng do công hạnh giải thoát của vị ấy chớ không căn cứ vào niên lạp và tuổi tác của thế tục.

Phật giáo Thái Lan có hai ngạch tu và học rõ ràng như thế, nhìn lại Phật giáo Việt Nam ta chưa có sự phân biệt rõ ràng như họ.

Về pháp hành, có vị tôn đức nào thực sự đáng làm tiêu biểu để mọi người noi theo tu tập hay chưa? Hay đó là điều mong mỏi khát khao của đại chúng?

Về pháp học, chúng ta chỉ có học ở Học viện mà giá trị lưng chừng, không thể so sánh với tầm đại học nào hết. Bằng cớ là tốt nghiệp Học viện khi sang Đài Loan hay Trung Quốc đều không được công nhận để học tiếp lên Thạc sĩ. Nói như thế để chứng tỏ rằng chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể theo kịp các nước anh em về tổ chức học Phật. Hơn nữa cái học và cái hành của chúng ta chưa đi đôi mà hiện tại người học chỉ sính cấp bằng cốt có học hàm, học vị mà không để ý đến sự thể nghiệm của mình.

Về vật chất

Sau 35 năm thành lập Giáo hội, ta thấy có một số chùa mới được thành lập và một số chùa cũ được phép trùng tu. Đặc biệt có một số chùa được công nhận là di tích lịch sử vẫn nằm im lìm theo năm tháng. Những ngôi chùa mới cất sau này nếu có mặt bằng rộng rãi thì được xây cất thông thoáng hơn. Vì nhu cầu chứa được nhiều người, do đó những giảng đường to rộng, những chánh điện hùng vĩ xây cất nhiều tầng để được phục vụ cho số đông quần chúng Phật tử. Về phần thờ cúng, những chùa mới cất sau này chỉ thờ phần lớn tượng Phật Thích Ca độc tôn hoặc tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí gọi là Tây phương tam thánh nếu theo pháp tu Tịnh độ. So với ngôi chùa cổ, những ngôi chùa mới lập sau này có khoảng không gian thoáng hơn và việc thờ cúng đơn giản hơn những ngôi chùa cổ xưa.

Đối với các ngôi chùa được gọi là di tích lịch sử thật là bảo tồn quá mức. Lấy một ví dụ khi đến chùa Giác Lâm nằm trên đường Lạc Long Quân trên gò đất gọi là Cẩm Đệm. Chùa Giác Lâm là ngôi chùa có hơn 300 năm lịch sử, xứng đáng là công trình lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Giác Lâm là chùa cổ nên có rất nhiều bàn thờ, ngoài bàn giữa của chánh điện thờ Tam tôn theo mô hình Tam thế Phật, có hộ pháp chư thiên và hình đản sanh cửu long phún thủy. Dưới bàn kinh có sấm bài hình các vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng v.v... Ở hai bên vách, ngoài Quan Âm, Địa Tạng thờ hai bên bàn giữa còn thờ thập điện Diêm vương và thập bát la hán. Riêng chùa Giác Lâm thờ đến hai bộ thập bát la hán. Tất cả đều là tượng cốt, trừ ở bàn tổ thờ chư tổ bằng hình vẽ. Lên đến bàn giữa ở chánh điện, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy mặt và thân Phật bị tróc lở đen nhẻm xen với mảnh vàng còn sót lại giống như những người mặc áo vá. Các bàn hai bên cũng cùng tình trạng như vậy. Những chân đèn và lư hương bằng đồng thì đen nhẻm vì bị han gỉ lâu ngày không lau chùi. Hỏi thăm quý vị chức sắc trong chùa thì cho biết Bộ Văn hóa muốn tồn cổ nên không cho động đến, không cho lau chùi sáng mới cả.

Khi có dịp sang Campuchia hay Thái Lan, nhìn thấy các ngôi chùa của các nước láng giềng ấy thật là quá rực rỡ. Tuy bày trí rất đơn giản nhưng toát lên một vẻ gì linh thiêng và trang trọng. Những miếng vàng mỏng luôn luôn được dát lên trên những mảnh lằn cũ ở dưới chân tượng Phật. Và tượng được lau quét thật kỹ, không hề có dấu tróc lở mảnh nào cả. Họ luôn luôn giữ gìn trong tình trạng sạch sẽ và sáng rỡ. Có những pho tượng lớn lộ thiên được dát vàng phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh khi nhìn từ xa. Và những đồ thờ cúng tuy đơn giản nhưng vẫn sạch và đẹp như mới.

Nếu nói theo nghĩa văn hóa về mặt tích cực thì đó là trường hợp biến vật thể lần lần càng đẹp đẽ, rực rỡ và uy nghiêm trước cái nhìn cũng như cảm nghĩ của những người đối diện.

Khi về Việt Nam, nhìn lại các chùa xưa, những chùa được gọi là “được công nhận là di tích văn hóa” thì thử hỏi những hình tượng, dáng dấp của ngôi chùa, những đồ thờ cúng, những tôn tượng như thế nào trước định nghĩa văn hóa. Có văn hóa là có biến đổi. Sự biến đổi có hai mặt: hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Về mặt tích cực, như các nước bạn chúng ta là Campuchia và Thái Lan. Về mặt tiêu cực, tức là để cho biến đổi lần lần xấu đi. Theo định nghĩa này, ở Việt Nam chúng ta bấy lâu nay được áp dụng.

Người ta hiểu văn hóa nghĩa là tình trạng bất động; giữ gìn văn hóa tức là giữ một cách cứng ngắc không hề dám đụng tới vì sợ nó biến đổi. Nhưng họ có biết đâu sự giữ gìn một cách bất động đó sẽ bị màu thời gian lần lần thay đổi: màu sắc cũ sẽ bị tàn phai, và những mẩu sơn sẽ bị long sứt rời rã theo năm tháng.

Danh từ mặc áo Phật thường dùng trong nhà chùa có nghĩa là hình tượng nguyên sơ được thêm vào một lớp bên ngoài. Lớp bên ngoài đó có thể bằng vải, tơ hay lụa bao choàng bên ngoài đúng như nghĩa mặc áo. Nghĩa thứ hai là cũng thêm vào lớp bên ngoài nhưng lớp đó là lớp màu hoặc bằng nước hay bằng sơn tô vẽ thêm cho đẹp đẽ với màu sắc vàng, trắng hay xanh do người thợ tự chọn. Gọi là áo vì là vật ở bên ngoài được thêm vào để tôn vinh màu sắc đẹp đẽ hơn. Lớp áo đó có thể được thay thế bằng lớp áo khác khi lớp áo cũ bị trầy xước hay loang lổ. Mặc áo vào, cốt để cho sáng đẹp, tôn tượng dễ nhìn hơn, chớ không ảnh hưởng gì đến kiểu ngồi, thế đứng hay nét mặt của tôn tượng cả. Cũng như con người mặc áo vào thì dễ nhìn hơn, sang trọng hơn chớ gương mặt xương xẩu hay no tròn không thay đổi, lưng thẳng hay lưng gù không đổi khác được. Cũng như vậy, mặc áo Phật không làm mất đi dáng vẻ nghiêm nghị, thần thái trang nghiêm, những cử chỉ khi tham thiền hay thuyết pháp thể hiện rõ ràng, không nhầm lẫn vào đâu được.

Theo cái nhìn của các nhà văn hóa chùa cổ, vì muốn bảo tồn di tích cũ nên không dám đá động tới gọi là cổ vật vì sợ mất đi dấu tích xưa. Điều này nếu đứng về mặt văn hóa tích cực e rằng phải nên xét lại. Những thứ gọi là cổ ví dụ như tôn tượng, pháp khí như chuông mõ, chân đèn, lư hương v.v... được xem là cổ là căn cứ ở dáng vẻ đặc biệt của nó mà ngày nay không có thấy. Những món đồ cổ đó muốn bảo tồn phải giữ gìn đừng cho thất thoát. Màu sắc bị oxy hóa nên đổi màu theo năm tháng phải cố phục hồi tình trạng cũ, ít nhất cũng gần giống. Những vật nào bị sứt mẻ hay tróc sơn lở lói phải sơn phết thếp vàng lại để phục hồi màu sắc cũ. Những chân đèn bị ten gỉ phải đánh bóng lại cho sáng rực lên như những ngày cũ. Những tôn tượng có những nét đặc biệt về gương mặt, dáng ngồi, không giống như những tôn tượng hiện tại, với những nét đẹp riêng đó, ngày nay không còn thấy dấu ấn ở các tượng đó nữa. Chúng ta cố giữ lại những pho tượng cổ, những đồ vật cổ đó, phải cố giữ gìn nguyên trạng không có nghĩa là bỏ phế để cho ten gỉ hoặc sơn tróc loang lổ mà gọi là bảo tồn văn hóa. Bảo tồn văn hóa kiểu ấy cũng là bảo tồn nhưng là bảo tồn theo hướng tiêu cực. Thông thường người ta nói tốt khoe xấu che, nhưng đây bảo tồn theo tiêu cực vì tốt che xấu khoe. Các ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa, những đồ vật trở thành đen nhẻm, phai màu sơn tróc loang lổ như những đồ bỏ quên lâu ngày trong kho. Những đồ vật bỏ quên trong kho nó xấu nó tệ chẳng ai để ý vì đó là vật bỏ phế. Còn ở đây trái lại những tôn tượng, những pháp khí của các ngôi chùa cổ được công nhận là di tích văn hóa đen thui đen nhẻm bày ra trước mắt khách tham quan quốc nội cũng như quốc ngoại. Các nhà văn hóa nghĩ như thế nào khi bước ra khỏi nước Việt Nam sang các nước Campuchia, Lào, Thái Lan v.v... đến viếng các ngôi chùa ở xứ họ? Chúng ta có thấy hổ thẹn chăng hay cứ nghĩ rằng chính cái đen nhẻm đó là niềm tự hào dân tộc?

 

Admin
Lượt xem: 1  |  Chia sẻ: 0